Để có thể vượt qua bài thi và nhận chứng chỉ CCBA, bạn sẽ phải nghiên cứu rất kỹ lưởng quyển BABOK Guide, đến thời điểm hiện tại là BABOK Guide v3 (bạn có thể tải về bản gốc Tiếng Anh Tại đây ).
Vậy hãy cùng khám phá những nội dung có trong quyển sách này nhé.
Mục đích của BABOK Guide.
Mục đích chính của BABOK® Guide là định nghĩa bản chất nghề phân tích nghiệp vụ và cung cấp bộ quy chuẩn đã được chấp nhận rộng rãi. Giúp những người thực hành thảo luận và xác định các kĩ năng cần thiết nhằm thực hiện công việc phân tích nghiệp vụ một cách hiệu quả.
BABOK® Guide cũng giúp những người làm việc cùng với người phân tích nghiệp vụ (gọi tắt là BA) hiểu về các kĩ năng và kiến thức mà họ mong đợi với người làm nghề có kĩ năng.
BA là nghề có định nghĩa rộng, người làm nghề BA có thể thực hiện nhiều công việc mang tính chất khác nhau trong tổ chức. Họ có thể sử dụng các năng lực, kiến thức, kỹ năng, thuật ngữ và thái độ khác nhau khi thực hiện các nhiệm vụ phân tích nghiệp vụ.
BABOK® Guide là một bộ khung chung cho tất cả các quan điểm, mô tả các nhiệm vụ phân tích nghiệp vụ được thực hiện để phân tích đúng một thay đổi hoặc đánh giá tính cần thiết của một thay đổi.
Các nhiệm vụ có thể khác nhau về hình thức, thứ tự hoặc tầm quan trọng đối với cá nhân từng BA hoặc đối với các sáng kiến khác nhau.
Các lĩnh vực kiến thức có trong BABOK Guide?
Sáu lĩnh vực kiến thức của BABOK® Guide bao gồm: Lập kế hoạch và giám sát hoạt động phân tích nghiệp vụ (BAPM), khơi gợi và hợp tác (E&C), quản lý vòng đời yêu cầu (RLCM), phân tích chiến lược (SA), phân tích yêu cầu và định nghĩa thiết kế (RADD), và đánh giá giải pháp (SE), mô tả thực tiễn của phân tích nghiệp vụ khi nó được áp dụng trong phạm vi của một dự án hoặc trong suốt quá trình phát triển và cải tiến liên tục của doanh nghiệp.
Hình ảnh sau đây cho thấy ba trong số các lĩnh vực kiến thức hỗ trợ việc chuyển giao giá trị trước, trong và sau vòng đời của một dự án như thế nào.
Phân tích nghiệp vụ là gì?
Phân tích nghiệp vụ là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho sự thay đổi trong doanh nghiệp bằng cách xác định nhu cầu và đề xuất các giải pháp có thể mang lại giá trị cho các bên liên quan. Cho phép doanh nghiệp nêu rõ nhu cầu và lý do thay đổi, từ đó thiết kế và mô tả các giải pháp có thể mang lại giá trị.
Phân tích nghiệp vụ được thực hiện dựa trên nhiều sáng kiến khác nhau trong một doanh nghiệp.
Các sáng kiến có thể là chiến lược, chiến thuật hoặc hoạt động vận hành. Phân tích nghiệp vụ có thể được thực hiện trong phạm vi của một dự án hoặc trong suốt quá trình phát triển và cải tiến liên tục của doanh nghiệp. Nó có thể được sử dụng để hiểu trạng thái hiện tại, xác định trạng thái tương lai và xác định các hoạt động cần thiết để chuyển từ trạng thái hiện tại sang trạng thái tương lai.
Các khía cạnh khác nhau của Phân tích nghiệp vụ?
Phân tích nghiệp vụ có thể được thực hiện từ nhiều khía cạnh khác nhau. BABOK® Guide mô tả một số quan điểm sau: linh hoạt (agile), nghiệp vụ thông minh (business intelligence), công nghệ thông tin (IT), kiến trúc nghiệp vụ (business architecture) và quản lý quy trình nghiệp vụ (business process management).
Các quan điểm có thể được coi như một lăng kính mà thông qua đó, người BA xem các hoạt động công việc của họ dựa trên bối cảnh hiện tại. Một hoặc nhiều quan điểm có thể áp dụng để phân tích một sáng kiến.
Lưu ý rằng, quan điểm được nêu trong BABOK® Guide không đại diện cho tất cả các bối cảnh cho phân tích nghiệp vụ hay cho các bộ nguyên tắc về phân tích nghiệp vụ.
Người phân tích nghiệp vụ là ai?
Người phân tích nghiệp vụ (BA) là người thực hiện các nhiệm vụ phân tích nghiệp vụ được mô tả trong BABOK® Guide, bất kể chức danh công việc hoặc vai trò của họ trong tổ chức là gì.
BA chịu trách nhiệm khám phá, tổng hợp và phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trong doanh nghiệp, bao gồm các công cụ, quy trình, tài liệu và các bên liên quan.
Họ chịu trách nhiệm khơi gợi nhu cầu thực tế của các bên liên quan (thường liên quan đến việc điều tra và làm rõ những mong muốn của các bên liên quan) để xác định các vấn đề và nguyên nhân cơ bản.
BA đóng vai trò căn chỉnh các giải pháp thiết kế được chuyển giao phù hợp với nhu cầu của các bên liên quan.
Các hoạt động mà BA thực hiện
- Thấu hiểu các vấn đề và mục tiêu của doanh nghiệp,
- Phân tích nhu cầu và giải pháp,
- Đề ra các chiến lược,
- Dẫn dắt sự thay đổi, và
- Tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác của các bên liên quan.
Các chức danh công việc phổ biến khác dành cho BA
- Kiến trúc sư nghiệp vụ (Business Architect),
- Chuyên viên/Nhân viên phân tích hệ thống nghiệp vụ (Business Systems Analyst),
- Chuyên viên/Nhân viên phân tích dữ liệu (Data Analyst),
- Chuyên viên/Nhân viên phân tích doanh nghiệp (Enterprise Analyst),
- Chuyên viên tư vấn quản lý (Management Consultant),
- Chuyên viên/Nhân viên phân tích quy trình nghiệp vụ (Process Analyst),
- Quản lý sản phẩm (Product Manager),
- Chủ sở hữu sản phẩm (Product Owner),
- Kỹ sư thiết kế và quản lý yêu cầu (Requirements Engineer)
- Chuyên viên/Nhân viên phân tích hệ thống (Systems Analyst).
Bạn có thể tải về bản gốc Tiếng Anh Tại đây